Kiến thức chăm sóc sức khỏe cho người bị tiểu đường.

Rau mùi, hành tỏi, gừng hay vừng là những loài cây cỏ được sử dụng trong mâm cơm hàng ngày mà ít ai biết tới công dụng tuyệt vời trong điều trị, kiểm soát đường huyết. Được cung cấp dưới góc nhìn khoa học hy vọng bài viết sẽ giúp các bạn tự tin tư vấn cho người thân, bệnh nhân hoặc chính bản thân mình về cách sử dụng các loại thực vật xung quanh chúng ta trong kiểm soát đường huyết. 

Một trong những nguyên nhân gây ra đái tháo đường tuýp 2 là do insulin bị mất tính nhạy cảm tại thụ thể tiếp nhận insulin tại mô đích. Nguyên nhân có thể là do tế bào β tụy bị sai hỏng hoặc bị phá hủy. Các dược liệu được đề cập dưới đây có tác động giúp tăng tiết insulin và tăng tính nhạy cảm của insulin với mô đích.

Cỏ ca ri (Trigonella foenum-graecum)
Cỏ ca ri hay hồ lô ba, khổ đậu (Trigonella foenum-graecum) là một loài cây thuộc về họ Đậu (Fabaceae). Cỏ ca ri được sử dụng như là cây thuốc (phần lá) cũng như một loại gia vị (phần hạt). Nó được trồng rộng khắp trên thế giới như là một loại cây trồng bán khô hạn. Phần hạt được sử dụng để kiểm soát bệnh đái tháo đường với hiệu quả của nó so với insulin là rất cao. Hạt cỏ cả ri đã được các nghiên cứu hiện đại công nhận có công dụng khiến cho hạ chỉ số đường huyết trong máu ở người bệnh tiểu đường. Hoạt chất tác động chính là 4-hydroxyisoleucine (4-OH-Ile), một axit amin chiết xuất và tinh chế từ hạt giống cà ri, thể hiện một hoạt tính insulinotropic. Acid amin này có tác dụng kích thích liệu trình tự tiết insulin từ tuyến tụy. Việc sử dụng hạt cỏ ca ri cũng cho thấy sẽ làm tăng tính nhạy cảm insulin. Tác động này là do trong hạt cỏ ca ri có chứa trigonelline - một hợp chất làm tăng độ nhạy cảm của insulin. Ngoài ra, trong hạt cỏ cả ri còn có chứa nhiều những chất như lipit không no, protein, đường, chất xơ, những loại khoáng chất như canxi, sắt, kẽm,… Chính vì thế, hạt cỏ cả ri có tác dụng phòng chống và chữa trị nhiều loại bệnh như bệnh thận, tăng tiết sữa, điều kinh nguyệt,…

Thì là đen (Nigella sativa)
Nigella sativa là một loài thực vật có hoa trong họ Mao lương. Các hợp chất có trong Nigella sativa đã được chứng minh là có tác dụng trong việc chống đái tháo đường. Hầu hết các tính chất điều trị của Nigella sativa là do thymoquinone (2 - isopropyl-5-methyl-1,4-benzoquinone), một thành phần hoạt tính của tinh dầu. Trong nghiên cứu của Salama, hợp chất này kết hợp đồng thời với α-lipoic acid và L-carnitine làm tăng lượng insulin và cải thiện sự trao đổi carbohydrate ở chuột nhắt.

Trà xanh (Camellia sinensis)
Trong trà xanh có nhiều catechins, đây là dạng polyphenol nổi bật nhất trong trà xanh (còn gọi là flavonols). Trà xanh còn chứa một số polyphenol khác, bao gồm flavandiols, flavonoid, axit phenolic. Trong một nghiên cứu lâm sàng với 2 nhóm bệnh nhân tiểu đường tuýp 2, một nhóm được cho sử dụng trà xanh chứa 583,8 mg catechins (- nhóm catechin), nhóm còn lại cho sử dụng lượng 96,6 mg catechins (- nhóm đối chứng), một lần mỗi ngày trong 12 tuần. Nồng độ insulin trong nhóm catechin cao hơn đáng kể so với nhóm đối chứng. Ngoài ra, nồng độ hemoglobin A1c trong nhóm catechin cũng giảm xuống đáng kể so với nhóm đối chứng.


Gừng (Zingiber offcinale)
Hoạt chất chính của gừng là gingerol, một hỗn hợp đồng đẳng với 10, 12, và 14 cacbon trong chuỗi. Tác dụng chống rối loạn tiêu hóa của gừng được so sánh với tác dụng của tỏi. 40 con chuột Sprague Dawley đực 5 tuần tuổi được cho ăn thức ăn giàu chất béo trong 2 tuần và sau đó chia thành 6 nhóm: nhóm kiểm soát thông thường (NC), nhóm kiểm soát bệnh tiểu đường (DBC), nhóm cho ăn gừng thấp (GNL), nhóm cho ăn gừng cao (GNH), nhóm cho ăn tỏi thấp (GRL), nhóm cho ăn tỏi cao (GRH) (với “cao” nghĩa là cho ăn bột khô gừng hay bột khô tỏi chiếm 2,0% tổng khẩu phần ăn, và “thấp” là 0,5%). Bệnh tiểu đường được gây ra bởi việc tiêm streptozotocin ở tất cả các nhóm trừ nhóm kiểm soát thông thường. Kết quả cho thấy insulin huyết ở nhóm NC và GNH cao hơn so với tất cả các nhóm khác. Trọng lượng cơ thể, đường huyết lúc đói cũng như lipid huyết không bị ảnh hưởng bởi chế độ ăn gừng hoặc tỏi, cho thấy bằng chứng về cơ chế kiểm soát insulinotropic chứ không phải hạ đường huyết trong chế độ ăn có gừng và tỏi, trong đó gừng có tác động mạnh hơn tỏi. Trong một nghiên cứu khác của Akhani et al. (2006), những con chuột bị tiểu đường gây ra bởi tiêm streptozotocin đã được kiểm tra các yếu tố liên quan đến nồng độ đường huyết và insulin trong huyết thanh. Các thụ thể serotonin (5-hydroxytryptamine, 5-HT) gây tăng đường huyết và hạ đường huyết, trong khi nước gừng có thể làm giảm đáng kể hiệu ứng tăng đường huyết.

Vừng (Sesamum indicum)
Vừng hay mè là một loại cây ra hoa thuộc chi Vừng, họ Vừng. Hạt vừng được cho là có tác dụng giống như insulin hoặc kích thích tế bào β-tụy tạo ra insulin, do đó giúp giảm lượng đường trong máu. Bằng chứng của tác động này đã được kết luận từ một nghiên cứu, trong đó có sự gia tăng nồng độ insulin ở những con chuột bị gây tiểu đường bằng streptozotocin sau khi được cho sử dụng chiết xuất hạt vừng. Sự tiết insulin không thích hợp với nhịp sinh học của cơ thể thúc đẩy quá trình tổng hợp glycogen từ glucose. Điều này thật sự được nhận thấy ở những con chuột bị gây tiểu đường bằng streptozotocin ở trên khi so sánh với nhóm đối chứng. Trong hạt vừng chứa nhiều chất chuyển hóa thứ cấp, bao gồm các hợp chất phenolic, terpenes, limonoids, và steroid, tất cả đều được cho rằng có những vai trò quan trọng trong việc kiểm soát đường huyết.


Ô-liu (Olea europaea)
Cây Ô-liu là một loại cây nhỏ, sống hàng trăm năm, được trồng nhiều ở miền duyên hải Địa Trung Hải, ven bờ nam biển Caspi. Trái Ô liu là một nông phẩm giá trị ở vùng Địa Trung Hải dùng để làm dầu ô liu. Chiết xuất lá ôliu có tác động chống đái tháo đường thông qua việc kích thích sự phóng thích insulin. Trong lá ô-liu có chứa oleuropeoside, tiến hành ủ các tế bào đảo langerhans của chuột trong oleuropeoside với nồng độ tăng dần từ 0,2, 0,4 và 0,8 mg / ml.  Sự hiện diện của oleuropeoside trong các đảo khi ủ với glucose 2,7 mmol/l làm tăng mức insulin lên đến 0,4 mg/ml.

Lựu (Punica granatum)
Lựu hay còn gọi là thạch lựu, là một loài thực vật ăn quả thân gỗ nhỏ có chiều cao từ 5-8 mét. Lựu có nguồn gốc bản địa Tây Nam Á, được trồng rộng rãi tại Ấn Độ, Israel, Đông Nam Á, châu Phi... Trong nước ép lựu có chứa Paraoxonase-1 (PON1) là một loại enzyme làm tăng insulin tiết ra từ tế bào tụy β và có hiệu quả đáng kể trong việc chống oxy hóa. Bên cạnh đó trong nước ép lựu còn chứa một polyphenol chính là punicalagin có thể cũng gây ra sự tiết insulin từ tế bào β-tụy.

Rau mùi (Coriandrum sativum)
Rau mùi hay còn gọi là ngò, ngò rí, mùi ta, ngổ, là loài cây thân thảo sống hằng năm thuộc họ Hoa tán, có nguồn gốc bản địa từ Tây Nam Á về phía tây đến tận châu Phi. Có nhiều nghiên cứu liên quan đến tác động chống đái tháo đường của rau mùi đã được công bố. Khi cho chuột ăn chế độ ăn với rau mùi lâu dài (hơn 40 ngày) cho thấy loại cây này có thể làm giảm tác dụng tăng đường huyết ở chuột được gây đái tháo đường bởi streptozotocin. Một nghiên cứu sau này cho thấy hiệu ứng hạ đường huyết của hạt rau mùi là do hoạt động kích thích insulin và bắt chước insulin, tăng vận chuyển glucose, oxy hóa glucose và tăng sự tổng hợp glycogen. Nghiên cứu cũng dự đoán khả năng chống oxy hoá có thể làm giảm các phản ứng phụ của bệnh tiểu đường. Có một sự khác biệt rất lớn trong hoạt động của rau mùi được báo cáo trong nghiên cứu này và thuốc hạ đường huyết mạnh - metformin, đó là rau mùi có tác dụng lên vận chuyển glucose và sự hấp thu glucose ở ngoại biên là insulin trung gian. Chất chiết xuất rau mùi có thể kích thích sự tiết insulin theo cách phụ thuộc liều lượng của chiết xuất và glucose.

Các loài Tầm ma (Urtica species)
Các nghiên cứu tiến hành trên U. pilulifera đã kết luận hiệu quả chữa đái tháo đường của hạt U. pilulifera, thông qua việc làm giảm lượng đường trong máu ở chuột bị gây đái tháo  đường bằng streptozotocin ở liều 100 mg/kg thể trọng khi so sánh với chuột đối chứng. Sau đó người ta tiến hành khám nghiệm mô học để hiểu được cơ chế tác động của loài thực vật này, kết quả cho thấy số lượng các đảo β và các đảo islet cũng như đường kính của hạch ở các mô tụy đều cao hơn ở những con chuột bị đái tháo đường được điều trị với U. pilulifera. Điều này thực sự cho thấy hiệu quả hạ đường huyết của U. pilulifera là thông qua việc tăng tiết insulin trong tế bào tuyến tụy. Tác động này có thể do thành phần hoạt chất lectins thực vật của loài Urtica. Lectins thực vật là glucoprotein có khả năng liên kết với các loại đường đặc biệt và thể hiện các tác động sinh học.
Một nghiên cứu tương tự đã được tiến hành trên 30 con chuột Wistar nhưng thông qua sử dụng chiết xuất của U. dioica, chia làm 3 nhóm: nhóm đối chứng bình thường, nhóm gây đái tháo đường bằng streptozotocin, và nhóm bị đái tháo đường được điều trị bằng chiết xuất của U. dioica. Chất gây đái tháo đường ở chuột streptozotocin được đưa vào với hàm lượng 80 mg/ kg/ngày, chiết xuất hydrochloric của phần lá của U. dioica  được đưa vào với hàm lượng 100 mg/kg/ngày. Tỷ lệ các tế bào β tụy ở 3 nhóm đối chứng bình thường, nhóm gây đái tháo đường bằng streptozotocin, và nhóm bị đái tháo đường được điều trị bằng chiết xuất của U. dioica theo thứ tự lần lượt là 73,1, 1,9 và 22,9% . Điều này cho thấy sự đóng góp vào việc bảo vệ các tế bào β Langerhans của chiết xuất từ U. dioica.

Rau lê Địa Trung Hải (Atriplex halimus)
Rau lê Địa Trung Hải là nguồn cung cấp vitamin A, C, và D rất tốt cho cơ thể. Nó cũng có nhiều tannin, flavonoid, saponin, alkaloids và nhựa. Tác động hạ đường huyết của  chiết xuất từ lá A. halimus đã được kiểm tra với mô hình chuột bị gây đái tháo đường bằng streptozotocin. Liều streptozotocin được dùng trong nghiên cứu này là 200 mg/kg trọng lượng, và mức độ glucose huyết được đo sau 0-3 giờ. Sử dụng phương pháp xét nghiệm dung nạp glucose, hiệu quả hạ đường huyết giảm đến 54% ở chuột nhắt khi điều trị bằng các chất chiết xuất. Hoạt chất gây ra tác động hạ đường huyết là các flavonoid, có thể có cơ chế tác động giống như insulin trong việc điều chỉnh nồng độ glucose.

Quế (Cinnamomum verum)
Quế bao gồm nhiều thành phần hoạt tính: cinnamaldehyde, acid cinnamic, tanin, và methylhydroxychalcone (MHCP). Tác dụng hạ đường huyết của cinnamaldehyde là kết quả của việc tăng cường insulin từ các tế bào β của các đảo Langerhans. Hiệu quả này được so sánh với glibenclamide, một loại thuốc được sử dụng chủ yếu để kích thích sự tiết insulin từ các tế bào β tụy. Thêm vào đó, thành phần hoạt chất này của quế làm giảm đáng kể cholesterol và triglyceride, trong khi đó lại làm tăng mức cholesterol HDL. Liều gây chết người của hợp chất này là 1850 ± 37 mg/kg. Dựa trên điều này, hợp chất này an toàn đối với động vật có vú. MHCP, một thành phần hoạt tính khác của quế, được tìm thấy có chức năng như bắt chước insulin. MHCP được so sánh với insulin trong việc hấp thu glucose, tổng hợp glycogen phụ thuộc phosphatidylinositol-3-kinase, kích hoạt glycogen synthase thông qua hoạt tính kinase-3β glycogen synthase. MHCP kích thích sự hấp thu glucose và tổng hợp glycogen đến mức tương tự như insulin. Điều trị bằng MHCP kích hoạt quá trình tổng hợp insulin thông qua hoạt hóa tổng hợp glycogen và ức chế hoạt động của enzym tổng hợp glycogen kinase-3β (một chất ức chế enzym tổng hợp glycogen thông qua một chuỗi phosphoryl hóa), đây là những cơ chế tác động đến insulin. Sau đó kết hợp điều trị MHCP với insulin, kết quả cho thấy tác động trị liệu cao hơn khi điều trị với từng hoạt chất riêng lẻ, gợi ý sự hiệp đồng tác động.

Óc chó (Juglans regia)
Trong vỏ xanh của quả óc chó có chứa một số axit hữu cơ, chẳng hạn như axit xitric, axit malic, phosphat và oxalat canxi. Nó cũng chứa axit siaresinolic, axit betulinic, daucosterin, α-tetralone, và α-glucopyranoside. Trong óc chó có chứa thành phần chính là 5-hydroxy-1,4-naphtoquinone, đây là một trong những hợp chất phenolic quan trọng nhất của lá óc chó và vỏ xanh. Trong một báo cáo, khi cho chuột bị gây đái tháo đường bằng streptozotocin sử dụng chiết xuất từ lá và vỏ xanh óc chó, kết quả cho thấy số tế bào β của đảo Langerhans tăng lên so với nhóm không cho sử dụng chiết xuất từ lá và vỏ xanh óc chó. Ngoài ra, nồng độ glucose huyết đói và HbA1c trong huyết thanh của chuột đái tháo đường sử dụng chiết xuất từ lá và vỏ xanh óc chó giảm đáng kể.

Gan là cơ quan quan trọng nhất liên quan đến việc điều chỉnh lượng đường. Các enzym gan là phản ứng nhanh nhất với sự thay đổi mức đường huyết. Dưới đây là danh sách các cây thuốc được biết là nhắm mục tiêu đến gan trong việc kiểm soát đường huyết.

Cỏ ca ri (Trigonella foenum-graecum)
Hạt của cây cỏ ca ri có chứa steroid saponin, gây ra hạ cholesterol máu trong gan, thông qua việc giảm cholesterol tổng số cũng như mật độ lipoprotein mật độ thấp (LDL)

Thì là đen (Nigella sativa)
Ở chuột bị bệnh tiểu đường gây ra do streptozotocin-nicotinamide, mức glucose huyết thanh và insulin được đo sau khi bắt đầu cho ăn hạt thì là đen. Nồng độ enzyme chuyển hóa chủ yếu trong quá trình trao đổi carbohydrate cũng được đo; các enzyme này bao gồm hexokinase (xúc tác trong glycolysis), glucose-6-phosphate dehydrogenase (G6PD), một enzym chủ chốt trong quá trình pentose phosphate. Ngoài ra còn có glucose-6-phosphatase (G6Pase), fructose-1,6-bisphosphatase (F-1,6BP), hai enzyme này xúc tác đến nồng độ glucose thông qua các quá trình gluconeogenesis và glycogenolysis. Sự giảm mức đường huyết trong huyết tương là cùng lúc với sự gia tăng nồng độ insulin huyết tương khi tăng mức thymoquinone từ 20mg/kg đến 80mg/kg đối với những con chuột bị tiểu đường. Trong các enzyme gluconeogenesis chủ chốt, sự giảm glucose-6-phosphatase nhẹ kèm theo sự giảm đáng kể fructose-1,6-bisphosphatase đã được nhận thấy. Tuy nhiên, đã có sự gia tăng đồng thời mức độ các enzyme chuyển hoá chủ chốt chịu trách nhiệm cho việc tiêu thụ glucose, đó là enzyme hexokinase glycolytic cũng như enzym dehydrogenase glucose-6-phosphate của lipogenic.

Trà xanh (Camellia sinensis)
Alloxan là một hoạt chất được biết là gây ra tổn thương mô tế bào β tụy. Những con chuột bị tiểu đường do Alloxan gây ra đã được kiểm tra khả năng hồi phục đường huyết sau khi dùng polyphenol của trà xanh. Các chiết xuất được cho chuột sử dụng trong 15 ngày với hai liều khác nhau, cụ thể là 50 và 100 mg / kg thể trọng. Hai liều chiết xuất này làm giảm 29% và 44% lượng đường huyết trong huyết tương khi so sánh với chuột đối chứng. Sự thay đổi nồng độ glucose trong huyết tương đã làm tăng mức độ và hoạt động của alanine transaminase (ALT) trong gan, trước đây gọi là transaminase glutamate; enzym này là một trong những enzyme của chu kỳ alanin gây ra sự sản xuất alanin từ pyruvate.

Hành tỏi (Allium species)
A. sativum (tỏi) và A. cepa (hành) đều có thành phần hoạt chất là các axit amin sulfulphidexit, cụ thể là, S-methylcysteine ​​sulfotlenide (SMCS) và S-allylcysteine ​​sulfoxide (SACS) - tiền chất của allicin và dầu tỏi. Hai thành phần này đã được chứng minh là làm giảm các triệu chứng của bệnh tiểu đường, bao gồm không dung nạp glucose, giảm cân, và sự suy giảm glycogen gan. Axit amin sulfoxide và disulfdes có thể tiêu thụ NADPH và tương tác với các enzyme cần thiết cho tổng hợp cholesterol và lipid. Hậu quả của các tương tác này sẽ ngăn chặn sự hủy hoại insulin. Ngoài ra, glucose-6-phosphatase (G6Pase), enzyme đặc trưng cho gan được ức chế dưới tác dụng của axit amin sulfoxit. Nghiên cứu bổ sung đã cho thấy việc sử dụng SACS ở liều 200 mg / kg thể trọng ở chuột bị tiểu đường bằng alloxan đã làm tăng đáng kể hoạt động của HMG CoA reductase (HMGCR) gan và ruột. Enzyme này được kích hoạt thông qua các tín hiệu nội tiết khi mức glucose huyết thanh cao. Ngoài ra, glucokinase trong gan, một enzyme chính của glycolysis, cũng đã tăng lên đáng kể khi sử dụng SACS.

Óc chó (Juglans regia)
Các enzyme phosphoenolpyruvate carboxykinase (PEPCK) xúc tác một trong những bước quan trọng của gluconeogenesis. Các enzym phosphorylase glycogen (GP) xúc tác  bước chính của glycogenolysis. Enzyme này chịu trách nhiệm xúc tác từ pyruvate thành phosphoenolpyruvate (PEP) thông qua một chất trung gian của oxalo acetat. Đặc biệt trong gan, sự điều tiết của enzim này là một bước quan trọng trong sự cân bằng đường huyết. Những con chuột bị tiểu đường do STZ gây ra đã được dùng để nghiên cứu về hiệu quả điều trị của các chiết xuất cô đặc của lá óc chó với liều 400 mg / kg. Nồng độ glucose trong máu được đo mỗi 1 giờ đến 5 giờ sau khi sử dụng chiết xuất. Ngoài ra, gan đã được phẫu thuật cắt bỏ 2 giờ sau khi điều trị chuột bị tiểu đường với chiết xuất, và các đo nồng độ của enzyme chính của quá trình gluconeogenesis. Kết quả cho thấy mức glucose giảm sau khi điều trị với chiết xuất lá óc chó, trong khi hoạt động PEPCK đã giảm và GP đã được kích hoạt rất cao. Hoạt tính giảm của PEPCK được cho là cơ chế làm giảm lượng glucose trong máu. Ngoài ra, hoạt tính tăng lên của GP gan, ​​tạo ra chất nền cho glucose-6-phosphate dehydrogenase (enzyme khởi tạo của con đường pentose phosphate), cho thấy một cơ chế chống oxy hoá trong gan.

Chà là (Phoenix dactylifera)   
Quả chà là có chứa các hợp chất avonoid tự nhiên, diosmetin 7-O-β-Larabinofuranosyl (1 → 2) β-D-apiofuranoside và diosmetin 7-O-β-D- apiofuranoside. Hai hợp chất này đã được đánh giá về hoạt động sinh học trên mô hình chuột nhắt đái tháo đường do alloxan. Chuột bị bệnh tiểu đường chuột đã được đưa vào cơ thể một trong hai thành phần hoạt tính ở trên (20 mg/kg cân nặng) trong 30 ngày. Mức độ của một số enzyme và phân tử đã được đánh giá sau đó. Aspartate aminotransferase (AST) và alanine aminotransferase (ALT) là hai enzyme thường có trong gan, nếu chúng rò rỉ vào máu sẽ làm hư hại gan. Kết quả cho thấy chuột bị bệnh tiểu đường khi đưa vào cơ thể một trong hai hợp chất của quả chà là đã cải thiện hàm lượng AST và ALT trong máu (tương ứng giảm từ 68.3 ± 4.8 μ / L xuống 54 ± 5.5 μ / L và từ 61.0 ± 3.6 μ / L lên 40.1 ± 3.6 μ / L). Mức cholesterol và triglycerides cũng giảm nhẹ.

Các thuốc điều trị đái tháo đường theo cơ chế này sẽ kích thích mô cơ và mỡ làm việc để cải thiện sự nhạy cảm của mô cơ và mô mỡ với insulin. Kênh vận chuyển glucose GLUT4 là mục tiêu chính của hầu hết các thuốc hạ đường huyết nhằm làm tăng sự hấp thu glucose trong các mô này. Dưới đây là các cây thuốc giúp tăng cường hấp thu glucose ở mô cơ và mô mỡ:
Nghệ (Curcuma longa)
Các phương pháp thực nghiệm đã được tiến hành để phát hiện tác dụng hạ đường huyết của Nghệ. Trong thân rễ phình thành củ của nghệ có sesquiterpenoid và curcuminoids, đây là hai hoạt chất chính có tác động hiệu quả trong việc hạ đường huyết. Cụ thể là các chất chiết xuất từ nghệ, bao gồm curcumin, demethoxycurcumin, bisdemethoxycurcumin, và ar-turmerone là các chất chủ vận tự nhiên PPAR-γ. Receptor này nằm trên nhân tế bào, giúp kích hoạt các gen nhạy cảm với insulin, từ đó giúp tế bào sử dụng nhiều glucose hơn, làm giảm lượng glucose trong máu. Sesquiterpenoid và curcuminoidsthe khi kết hợp cho tác dụng hiệp đồng mạnh hơn nhiều trong việc hạ đường huyết so với sử dụng từng chất đơn lẻ.

Ớt cựa gà (Capsicum frutescens) 
Một nghiên cứu lâm sàng đã được thực hiện để đánh giá tác động của C. frutescens đối với mức đường huyết đói ở chuột Wistar bị gây đái tháo đường bằng Alloxan. 40 con chuột Wistar khỏe mạnh, trọng lượng từ 130-150 g được chia thành 4 nhóm. Nhóm 1 là nhóm kiểm soát bình thường với chế độ ăn uống bình thường. Nhóm 2 là nhóm bị bệnh tiểu đường được cho ăn với thức ăn thông thường. Các nhóm 3 và 4 bị bệnh tiểu đường được cho ăn với thức ăn bình thường kèm theo 1g (nhóm 3) hoặc 2g (nhóm 4) Capsicum frutescens. Có sự cải thiện đáng kể ở các thông số sinh hóa và nồng độ đường trong máu ở nhóm 3 và nhóm 4 khi so sánh với chuột nhóm 2. Thêm vào đó, mức tăng cholesterol lipoprotein mật độ cao (HDL-c) đã được nhận thấy, cùng với sự giảm nồng độ cholesterol toàn phần, cho thấy vai trò hạ đường huyết kết hợp tác động qua mô mỡ.

Hương nhu trắng (Ocimum gratissimum)
Hương nhu trắng hay é lớn lá là loài thực vật thuộc chi Húng quế Ocimum. Khi cho chuột bị gây đái tháo đường bằng STZ sử dụng chiết xuất từ hương nhu trắng với liều 250, 500, và 1000 mg/kg thể trọng, lượng đường trong máu chuột giảm rõ, đặc biệt ở liều 500 mg/kg. Sự hiện diện của tannin, saponin, và flavonoid trong hương nhu trắng được biết đến với tác động chống oxy hoá. Trong đó, axit tannic có khả năng kích thích vận chuyển glucose qua kênh vận chuyển GLUT4.

Húng quế (Ocimum basillicum)
Kadan et al. [102] đã thực hiện phân tích GC/MS tìm kiếm các thành phần hoạt tính của húng quế, kết quả cho thấy trong chiết xuất húng quế có chứa talose, glucopyranose,  4,7-Dimethoxy-1-indanone và axit palmitic, axit α-linolenic.  Sau đó tiến hành đánh giá tác động của các chiết xuất nói trên đối với GLUT4 trên tế bào cơ xương L6. Kết quả cho thấy sự nhạy cảm của insulin và sự vận chuyển của glucose qua kênh GLUT4 tăng lên đáng kể.

Các loài Sung (Ficus species)
Trong một nghiên cứu về tác động hạ đường huyết của chiết xuất từ lá cây Ficus carica, những con chuột bị gây bệnh tiểu đường bằng STZ đã được kiểm tra mức đường và sự tiết insulin của chúng sau khi đưa vào cơ thể chiết xuất từ lá cây này. Trong khi mức glucose giảm đáng kể, còn mức insulin không bị ảnh hưởng, cho thấy vai trò của chiết xuất lá cây này trong việc tăng sử dụng glucose ở các mô ngoại vi. Ngoài ra, chiết xuất lá cây Ficus carica  còn làm giảm mức cholesterol toàn phần và giảm tỷ lệ cholesterol toàn phần/HDL cholesterol. Các hợp chất  được đề xuất có thể gây ra tác động này là polyphenols, flavonoid, và β-sitosterols.

4. Thực vật ức chế hấp thu glucose tại ruột
Nơi đầu tiên để giảm bớt mức đường huyết trong máu là ở việc ức chế các enzym tiêu hóa phân tách tinh bột và disaccharides thành các, tránh việc các monosaccharides có thể dễ dàng hấp thụ qua thành ruột. Do đó, việc ức chế α-glucosidase sẽ là một hướng quan trọng trong nghiên cứu phát triển các thuốc liên quan đến điều trị bệnh đái tháo đường. Một số dược liệu có khả năng ức chế việc hấp thụ glucose được trình bày sau đây:

Trà xanh (Camellia sinensis)
Chiết xuất catechin đậm đặc trong trà xanh có tác động hiệu quả trong điều trị đái tháo đường. Sự hiện diện của các catechins trong ruột ức chế sự hấp thu glucose và chất béo, còn sự hiện diện của chúng trong máu cũng ức chế sự hấp thu glucose vào gan, cơ, và các mô mỡ. Như vậy, cần khống chế tránh đề catechin hấp thu được vào máu, chỉ để chúng tồn tại trong ruột dạng không hấp thu rồi đào thải ra ngoài, (ví dụ như dùng phối hợp với axit poly-γ-glutamic), sao cho tác động của chúng đạt được hiệu quả mong muốn.

Quế (Cinnamomum verum)
Axit cinnamic là thành phần chủ yếu trong vỏ thân của quế. Các dẫn xuất của axit cinnamic có hoạt động ức chế α-glucosidase trong ruột và α-amylase tụy. Giữa các dẫn xuất axit cinnamic, các chất ức chế mạnh nhất α-glucosidase trong ruột của chuột là axit ferulic, axit isoferulic và axit caffeic.

Ô-liu (Olea europaea)
Trong một nghiên cứu do Wainstein et al. (2012), chuột mắc bệnh tiểu đường và chuột bình thường được cho sử dụng chiết xuất lá ô-liu, kết quả cho thấy có sự giảm đáng kể lượng tinh bột được hấp thụ khi so sánh với nhóm chuột đối chiếu. Trong cùng nghiên cứu đó, các thử nghiệm lâm sàng được thực hiện với 79 bệnh nhân đái tháo đường týp 2. Kết quả cho thấy hàm lượng Hba1c giảm xuống ở nhóm được điều trị bằng chiết xuất lá ôliu so với nhóm điều trị bằng giả dược.

Nghệ (Curcuma longa)
Chiết xuất từ C. longa đã được tìm thấy có vai trò trong việc ức chế α-glucosidase ruột cũng như enzyme α-amylase trong dạ dày ruột. Hoạt chất đóng vai trò ức chế hai enzyme tiêu hóa đường này được xác định là turmerin. Thực nghiệm lâm sàng so sánh tác động của turmerin và acarbose (Acarbose là một thuốc tetrasacharid chống đái tháo đường đang được lưu hành rộng rãi trên thị trường, có tác động ức chế men alpha - glucosidase ruột đặc biệt là sucrase mạnh, làm chậm tiêu hóa và hấp thu carbohydrat). Đường cong đáp ứng liều của chiết xuất turmerin tương đương với acarbose, và tiềm năng chiết xuất turmerin ức chế α-amylase thậm chí vượt quá acarbose.

Óc chó (Juglans regia)
Trong một nghiên cứu lâm sàng trên chuột, chiết xuất methanol từ lá óc chó đã được đưa vào cơ thể chuột (hàm lượng 250 mg/kg thể trọng), kết quả cho thấy mức đường huyết  đói giảm xuống. Khi nghiên cứu sâu hơn về cơ chế tác động, một thử nghiệm in vitro được tiến hành, trong đó phân tích hoạt tính ức chế α-glucosidase và sự điều chế insulin và GLUT4. Kết quả cho thấy không có thay đổi có thể phát hiện trong quá trình sao chép GLUT4 và insulin, hoạt tính α-glucosidase trong ống nghiệm giảm đáng kể cho cả maltase và sucrase. Người ta cho rằng các hợp chất quan trọng chịu trách nhiệm cho hoạt động ức chế α-glucosidase là các chất phenolic, bao gồm axit gallic và axit caffeoylquinic.

Các dược liệu trong nhóm này đã được đề cập ở trên, như Gừng, Trà, Oliu, Nghệ...
Những dược liệu này có thể phòng ngừa các biến chứng gây ra do đái tháo đường là nhờ một số tính năng như:
-         Chống viêm, chống huyết khối, giảm đau: Gừng.
-         Chống oxy hóa, chống stress tế bào beta tụy: Trà, Nghệ,
-         Tái phục hồi lại mô tụy bị hư hỏng: Nigella sativa - loài thực vật có hoa trong họ Mao lương.

Cỏ xạ hương (Thymus vulgaris)
Cỏ xạ hương là một loài thực vật có hoa trong họ Hoa môi, được sử dụng rộng rãi trong ẩm thực, dược liệu và trang trí. Các hoạt chất có trong cỏ xạ hương bao gồm flavonoid, saponin, tannin, alkaloids và phenol, thymol. Đặc biệt flavonoid có tỉ lệ phần trăm cao trong cây. Các chất hoá học này được biết đến với đặc tính chống bệnh đái tháo đường của chúng. Đối với flavonoid, đây là một chất thải trực tiếp của các gốc tự do, đặc biệt ở tế bào β-tụy thì điều này rất quan trọng. Thymol là một thành phần chính của cỏ xạ hương nổi tiếng vì khả năng chống oxy hoá và kháng khuẩn. Một nghiên cứu cho thấy rằng việc điều trị chuột nhiễm toan chuyển hóa (một trong những biến chứng cấp của đái tháo đường) do  alloxan bằng chiết xuất của các loại gia vị chứa thymol làm giảm mức độ đường trong máu một cách đáng kể khi so sánh với nhóm chuột đối chứng. Ngoài ra, cholesterol toàn phần, triglyceride, lipoprotein mật độ thấp (LDL) và lipoprotein mật độ rất thấp (VLDL) giảm đáng kể ở những con chuột mắc bệnh tiểu đường khi điều trị bằng thymol.

Lựu (Punica granatum)
NF-κB là một phức chất protein hiện diện trong hầu hết các loại tế bào động vật và liên quan đến việc sao chép DNA. Nó tham gia vào phản ứng tế bào và liên quan đến các bệnh lý mạch máu như xơ vữa động mạch. Chiết xuất từ quả lựu có khả năng chống oxy hóa tự nhiên, ức chế khối u mạch máu.
Chất chiết xuất từ vỏ quả lựu ở nồng độ 2,0 μg / mL ức chế sự oxy hóa lipid do H2O2 gây ra ở các tế bào hồng cầu, gan, tim và thận, đồng thời làm giảm nồng độ glucose huyết thanh. Tác dụng này cũng được tìm thấy ở Citrus sinensis (cam) và Musica paradisiaca (chuối).
Ở chuột nhắt bị gây đái tháo đường bằng STZ, cho chuột uống các chiết xuất nước lựu  với liều 250 mg / kg và 500 mg / kg trong 21 ngày làm giảm đáng kể lượng đường trong máu, cholesterol toàn phần, triglyceride, lipoprotein tỷ trong thấp (LDL) và tỷ trọng rất thấp (VLDL). Mặt khác, mức lipoprotein mật độ cao (HDL) và hàm lượng glutathione tăng lên.
Tyrosine và axit linoleic là những thành phần dễ bị oxy hoá khi tiếp xúc với các dưỡng khí oxy và nitơ. N-linoleoyl tyrosine (LT) là một dấu hiệu của sự oxy hóa tyrosine và acid linoleic. Sử dụng phương pháp thăm dò LT, người ta thấy rằng tỷ lệ ôxi hóa LT cao hơn đáng kể ở bệnh nhân tiểu đường so với những người bình thường. Trong một nghiên cứu lâm sàng, việc sử dụng quả lựu trong 3 tháng đã ức chế khả năng oxy hoá LT, và kết quả là tỷ lệ LT đã bị oxy hóa giảm đáng kể ở những bệnh nhân này.

Hành tỏi (Allium species)
Ở chuột bị gây tiểu đường bằng Alloxan, việc tăng đường huyết kéo theo việc tăng nồng độ urea và creatinin trong nước tiểu, hai chỉ số này được coi là dấu hiệu cho rối loạn chức năng thận. Sau khi điều trị cho những con chuột mắc bệnh tiểu đường với hành tây và chiết xuất tỏi,  nồng độ urea trong nước tiểu chuột đã giảm xuống. Bên cạnh đó, chuột bị tiểu đường cũng kéo theo biến chứng hoại tử gan và rối loạn chức năng gan. Biến chứng này là do các enzyme trong gan như aspartate aminotransferase (AST), alanine aminotransferase (ALT), lactate dehydrogenase (LDH), cũng như alkaline và acid phosphatase (AIP, ACP) rò rỉ thất thoát từ gan vào máu. Chuột đái tháo đường được điều trị với tỏi hoặc hành tây đã có sự giảm hoạt động của các enzim này trong huyết tương, phục hồi hoạt động của chúng trong gan.
S-methylcysteine ​​sulfoxide và S-allylcysteine ​​sulfoxide là các chất chống oxy hoá có trong hành và tỏi. Hai chất này được cho là làm giảm sự oxy hóa liên quan đến bệnh tiểu đường và do đó để cải thiện tác dụng phụ trên bệnh nhân tiểu đường.